Ads Banner Header
  1. Ban quản trị chúng tôi sẽ tiến hành rà soát Spamer và các bài viết không đúng Box sẽ bị xóa sạch, Các spamer cố tình sẽ bị Block IP vĩnh viễn . Xin cảm ơn bạn Khách đã đọc. List Ban
    icon-thietkeweb Công ty thiết kế website chuyên nghiệp Megaweb
    icon-thietkeweb Dịch vụ thiết kế website chuyên nghiệp tại Hà Nội
    icon-thietkeweb Dịch vụ thiết kế website bán hàng chuyên nghiệp
    icon-thietkeweb Dịch vụ thiết kế website bất động sản chuyên nghiệp
    icon-thietkewebhaiphong Làm dịch vụ thiết kế website theo yêu cầu

Tái hiện quá trình phát triển 100 năm của cải lương

Thảo luận trong 'Dịch vụ truyền thông, truyền hình' bắt đầu bởi vohonline2018, 23/11/2018.

  1. vohonline2018

    vohonline2018 Thành viên tích cực

    Bài viết:
    132
    Đã được thích:
    11
    (VOH) - 100 năm phát triển nghệ thuật cải lương đã được tái hiện trọn vẹn tron chương trình nghệ thuật do Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM tổ chức.
    Tối 22/11 chương trình biểu diễn kỷ niệm 100 năm nghệ thuật cải lương và 5 năm “đờn ca tài tử” được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được tổ chức trang trọng tại nhà hát VOH – Music one – Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM.

    Tái hiện quá trình phát triển 100 năm của cải lương

    Hơn 2 giờ đồng hồ, chương trình lần lượt tái hiện lại quá trình hình thành phát triển của đờn ca tài tử đến ca ra bộ rồi đến sân khấu cải lương, qua nhiều thước phim tư liệu và tiết mục biểu diễn được dàn dựng công phu, sống động.

    Chương trình đã đưa khán giả trở về với không gian sông nước phương Nam, với những ngày đầu sơ khai của đờn ca tài tử, phản ánh tâm tư, tình cảm của người dân Nam bộ phóng khoáng, bình dị mà nghĩa hiệp, can trường.

    [​IMG]

    Một tiết mục biểu diễn trong chương trình (Ảnh: Anh Tuấn)

    Theo thời gian, nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ không ngừng sáng tạo, phát triển nhờ tính “ngẫu hứng”, “biến hóa trong lòng bản”. Từ đờn ca tài tử đến ca ra bộ rồi sau này hình thành nên sân khấu cải lương là một quá trình phát triển vô cùng ý nghĩa, đáp ứng nhu cầu giao lưu, thưởng thức văn hóa nghệ thuật ngày càng cao của người dân Nam bộ.

    Tất cả những điều đó được thể hiện súc tích, sống động qua qua từng thước phim tư liệu cũng những tiết mục biểu diễn thăng hoa, xúc cảm của nhiều thế hê nghệ sĩ trưởng thành từ giải thưởng Bông lúa vàng.

    Trong bài phát biểu mở đầu chương trình, ông Lê Công Đồng - Giám đốc Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM nhấn mạnh: “Đối với chúng tôi, việc duy trì, bảo tồn và tạo tiền đề cho sự phát triển, lan tỏa của loại hình nghệ thuật này, là ý thức trách nhiệm nên chúng tôi đã bền bỉ thực hiện công việc này.

    Chương trình ngày càng được gia công, với chất lượng cao hơn, với sự quy tụ cũng như sự ái mộ của công chúng. Đặc biệt là sự tham gia của các thí sinh, chúng ta sẽ tiếp tục theo dõi sự phát triển này, thay đổi này trên làn sóng của Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM, không chỉ trong thời gian vừa qua mà còn cả trong hiện tại và thời gian tiếp theo”.

    [​IMG]

    Ông Lê Công Đồng - Giám đốc Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM là người tâm huyết duy trì, bảo tồn nghệ thuật cải lương trên làn sóng radio (Ảnh: Anh Tuấn)

    Đêm nghệ thuật cũng dành một lượng lớn thời gian để giao lưu và cùng sống lại khoảnh khắc của ngày 5/12/2013 khi nghệ thuật đờn ca tài tử được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Các nghệ sĩ đã chia sẻ nhiều cảm xúc từ hồi hộp, lo lắng, đến vỡ òa rồi tự hào trong thời khắc loại hình nghệ thuật độc đáo này được xướng tên tại thành phố Baku, nước cộng hòa Azerbaijan.

    NSƯT Lê Tứ xúc động nhớ lại: “Lê Tứ nhớ rõ trong chuyến đi đó, không chỉ mình Lê Tứ mà tất cả cá cô chú cũng có nhiều kỷ niệm. Lê Tứ nhớ đến lúc hội nghị xét duyệt cho Việt Nam mình bộ môn đờn ca tài tử, lúc đó cũng có nhiều nước xét duyệt trước mình nhưng cũng khó khăn, cũng tranh cãi dữ dội lắm. Có nhiều bộ môn không được luôn.

    Nhưng đến bộ môn đờn ca tài tử của Việt Nam khi đọc lên, hội nghị hỏi có ai có ý kiến gì không, thì không hề có ý kiến nào cả và Lê Tứ nhớ ông chủ tịch của hội nghị cầm cây búa gõ một cái, đồng ý là nghệ thuật Đờn ca tài tử được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể. Lúc đó cả khán phòng, tất cả các cô chú trong phái đoàn và cả ban đờn ca tài tử xúc động lắm, muốn rớt nước mắt”.

    Thổn thức những giai điệu vọng cổ
    Chương trình cũng mang đến những giai điệu thổn thức trong bản “dạ cổ hoài lang” của soạn giả Cao Văn Lầu, tiền thân của bản vọng cổ được các nghệ sĩ trẻ thể hiện da diết, lắng đọng. Từ 20 câu nhịp 2, bao thế hệ nhạc sĩ tài hoa đã vun bồi, phát triển thành bản vọng cổ nhịp tư, nhịp 8, nhịp 16, nhịp 32, nhịp 64, định hình ở cấu trúc bền vững như ngày nay là 6 câu nhịp 32 và trở thành bài ca vua của sân khấu cải lương.

    Một loạt những bản tân cổ giao duyên nổi tiếng cũng được các nghệ sĩ tái hiện lại đầy thanh xuân, tươi mới như: Mưa trên phố Huế; trên dòng sông Hậu; Duyên quê; tình đắng lý khổ qua…

    [​IMG]

    Những khúc ca vọng cổ thổn thức lòng người được biểu diễn trong chương trình (Ảnh: Anh Tuấn)

    NS Bùi Trung Đẳng – đạt Huy chương đồng giải Bông lúa vàng năm 2009, năm 2010 anh đạt quán quân Chuông vàng vọng cổ cùng nhiều giải thưởng quan trọng khác sau đó đã bồi hồi chia sẻ nhiều cảm xúc sau khi thể hiện xong 1 bài tân cổ giao duyên nổi tiếng.

    “Trung Đẳng là một nghệ sĩ trẻ bước ra từ giải Bông lúa vàng và cải lương hàng tuần, đó là một cột mốc rất lớn trong cuộc đời của Trung Đẳng. Vì từ giải thưởng này, bản thân đã có thêm hành trang và kinh nghiệm để chinh phục những giải thưởng khác và dấn thân vào con đường nghệ thuật chuyên nghiệp.

    Hôm nay khi trở về Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM, cùng với tất cả các anh em nghệ sĩ, Trung Đẳng cảm thấy rất vinh hạnh, bồi hồi và xúc động, giống như mình đang được trở về nhà mình vậy” - Trung Đẳng bày tỏ.

    Anh cũng cho biết cảm thấy rất vui khi chương trình có nhiều thế hệ nghệ sĩ, nhiều nghệ sĩ trẻ tuổi hơn cũng tham gia chương trình kỷ niệm 100 năm nghệ thuật cải lương. “Trung Đẳng một lần nữa xin cảm ơn ban tổ chức, đặc biệt là xin cảm ơn các cô chú anh chị, những biên tập viên của giải thưởng Bông lúa vàng, nơi đã chắp cánh cho mình đến với cải lương, đến với sân khấu này”.

    Chương trình đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa của chặng đường 100 năm hình thành phát triển của sân khấu cải lương với sức sống và sức lan tỏa mãnh liệt đến nhiều tầng lớp nhân dân. Chặng đường đó cũng ghi dấu sự thành công nhiều tên tuổi đạo diễn, soạn giả, nghệ sĩ cùng nhiều vở diễn ăn khách với tuổi thọ lên đến hàng trăm suất diễn.

    Đêm nghệ thuật tối qua, khán thính giả đã có dịp nghe lại một số trích đoạn trong các vở nổi tiếng ấy như: Đời cô lựu (của soạn giả Trần Hữu Trang); Máu nhuộm sân chùa (của soạn giả Yên Lang)…

    NSƯT Tuyết Ngân, trưởng thành từ mùa giải Bông lúa vàng đầu tiên năm 1993 đã xúc động khi hội ngộ cùng nhiều thế hệ nghệ sĩ bông lúa vàng: “Tuyết Ngân thật sự rất vui và có chút hãnh diện khi trở về ngôi nhà, nơi đã tạo cho mình nấc thang trong con đường nghệ thuật. Tuyết Ngân lần đầu tiên tham gia bông lúa vàng, 1 giải thưởng rất danh giá khi Tuyết Ngân chỉ mới 21 tuổi, hôm nay trở về mái nhà xưa, cảm thấy vui lắm, vui khi thấy nhiều gương mặt trẻ, đầy đủ thanh sắc cũng trưởng thành từ Bông lúa vàng. Các bạn rất giỏi, thông minh, nhạy bén hơn rất nhiều so với thế hệ của Ngân. Các bạn cũng diễn tốt lắm, tài năng, nhanh nhẹn, thanh sắc hội tụ”.

    Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM tự hào góp phần bảo tồn giá trị văn hóa cải lương
    Trong chặng đường 100 năm của sân khấu cải lương, Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM cũng góp một phần nhỏ để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc thông qua nhiều chương trình trên sóng phát thanh, một trong nhưng chương trình đã trở thành thương hiệu, phát hiện và bồi dưỡng nhiều tài năng cho sân khấu cải lương trong suốt 25 năm qua là giải thưởng “Bông lúa vàng”. Nhiều nghệ sĩ đã thành danh và từng bước khẳng định tên tuổi như: NSƯT Tuyết Ngân, NSƯT Hồ Ngọc Trinh, NSƯT Đào Vũ Thanh, NS Tuấn Anh, Hải Long…

    Là một trong những nghệ sĩ trưởng thành từ Bông lúa vàng và đạt danh hiệu NSƯT khi còn khá trẻ, NS Đào Vũ Thanh cho biết: “Cách đây 15 năm về trước, năm 2003, Thanh đã có giải thưởng Bông lúa vàng, hôm nay quay lại với chương trình 100 năm sân khấu cải lương, Thanh được đóng góp vào chương trình, bản thân cảm thấy hạnh phúc khi được mang lời ca tiếng hát để phục vụ công chúng, cũng chính tại nơi đã chắp cánh cho mình tung bay trên bầy trời nghệ thuật”

    Đêm nghệ thuật kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương, 5 năm đờn ca tài tử được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã khép lại nhưng những dư âm và cảm xúc của đêm biểu diễn này sẽ còn đọng mãi trong lòng người mộ điệu. NS Hải Long, lứa nghệ sĩ Bông lúa vàng đầu tiên đã thành danh, hiện anh đang là giảng viên tại trường đại học sân khấu điện ảnh TPHCM, tổng đạo diễn của chương trình hạnh phúc chia sẻ: “Ngày trước Hải Long là một thí sinh của giải Bông lúa vàng, nhưng hôm nay trở lại Đài, đảm nhận vai trò tổng đạo diễn trong chương trình kỷ niệm 100 năm nghệ thuật sân khấu cải lương, Hải Long rất hãnh diện, rất mừng.

    Bản thân mình cũng mong muốn đóng góp chút gì đó để dâng lên tổ nghiệp trong một dịp ý nghĩa như là 100 năm cải lương. Bên cạnh đó, Hải Long cũng mong rằng, giải thưởng Bông lúa vàng, tiếp tục sẽ là điểm tựa, là bước đệm cho các bạn trẻ sau này được tỏa sáng, được rèn nghề, để tiếp nối nghề và lưu truyền bộ môn nghệ thuật cải lương”.

    Trải qua quá trình hình thành và phát triển với không ít thăng trầm, nhưng nghệ thuật đờn ca tài tử và cải lương đến hôm nay vẫn đang khẳng định sức lan tỏa mãnh liệt và sức sống tiềm tàng của mình. Mong rằng với sự chung tay, chung sức, với niềm đam mê, làm nghề bằng tất cả trái tim, bằng niềm tin, các nghệ sĩ sẽ tiếp tục giữ gìn, phát huy những tinh hoa, những giá trị của nghệ thuật đờn ca tài tử và cải lương.

    Nguồn: http://voh.com.vn/van-hoa-giai-tri/...liet-cua-nhung-giai-dieu-ngu-cung-296668.html
     
Đang tải...